Bác sĩ khoa nhi - Tầm quan trọng của Vitamin A
-
Vitamin A là một trong những vi chất rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ đặc biệt là trẻ ở độ tuổi từ 6 - 36 tháng.
-
Hiện nay, tỷ lệ trẻ chậm lớn, giảm sức đề kháng, nhiễm trùng và có bệnh liên quan đến thị giác ngày càng tăng cao, đó là do trẻ không được bổ sung vitamin A một cách hợp lý và khoa học mà trẻ còn lạm dụng mắt trong truyền hình, vi tính, game…
Theo chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu, các đối tượng cần bổ sung vitamin A liều cao định kỳ mỗi 6 tháng:
- Bà mẹ có con dưới 6 tháng tuổi đang nuôi con bằng sữa mẹ (200.000 UI) để đảm bảo cung cấp đủ vitamin A cho trẻ.
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi không được bú sữa mẹ (50.000 UI).
- Trẻ từ 6-36 tháng tuổi uống định kì mỗi 6 tháng (50.000 UI) tại các cơ sở y tế vào các ngày 01- 2/6 và ngày 01- 2/12 hàng năm (điểm uống vitamin A miễn phí)
- Trẻ trên 3 tuổi có nguy cơ thiếu vitamin A như: khô mắt, cận thị, loét giác mạc quáng gà…
- Trẻ trên 3 tuổi bị suy dinh dưỡng, nhiễm trùng kéo dài, tiêu chảy, sởi, phát ban siêu vi.
Chú ý: cần chắc chắn trẻ chưa được uống vitamin A trong 6 tháng gần đây để tránh gây ngộ độc.
«««Vitamin A là một trong những vi chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của các bộ phận cơ thể con người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Vitamin A từ thực phẩm có nguồn gốc từ động vật dễ hấp thu và hấp thu tốt hơn ở thực vật. Mẹ thiếu vitamin A cho con bú thì kéo theo con cũng thiếu vitamin A ( theo thống kê của viện dinh dưỡng Trung ương cứ 5 trẻ dưới 6 tháng tuổi thì có 1 trẻ bị thiếu vitamin A)
Vậy cần bổ sung vitamin A như thế nào cho hiệu quả?
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần được bú sữa mẹ, đặc biệt là sữa non. Khi trẻ bước vào độ tuổi ăn dặm, các bà mẹ chế biến các món ăn để tạo sự ngon miệng và phù hợp với trẻ nhưng phải bảo đảm cung cấp đầy đủ lượng vitamin A cần thiết trong khẩu phần ăn. Vitamin A là loại vitamin tan trong dầu, vì vậy khẩu phần ăn nên thêm dầu mỡ sẽ làm tăng khả năng hấp thụ vitamin A.
***Thức ăn giàu Vitamin A:
1. Cà rốt
Cà rốt giàu vitamin A, các chất chống ôxy hóa hiệu quả, bảo vệ mắt không tiếp xúc với ô nhiễm và ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, nếu bạn không thích ăn cà rốt, hãy cố dùng thử từng ít một
2. Khoai lang
Khoai lang là nguồn vitamin A tuyệt vời, cũng như kali và chất xơ. Thay vì fastfood, bạn hãy thử ăn món khoai lang chiên đơn giản - rất tốt cho đôi mắt của bạn đấy.
3. Rau diếp cá
Khi dùng rau diếp ở món sa lát sẽ có thêm vitamin A cần cho đôi mắt của bạn.
4. Trái cây họ cam quýt
Trái cây họ cam quýt như cam, bưởi chùm, chanh và cam chanh là những trái cây dễ tìm ở Việt nam. Chúng giàu vitamin A và C, giúp ngăn ngừa tổn thương thần kinh ở mắt.
5. SữaSữa là nguồn giàu riboflavin và vitamin A, một trong những loại vitamin hàng đầu cho sức khỏe đôi mắt. Pho-mát, trứng và gan là những nguồn thực phẩm động vật khác giàu vitamin A.
6.Gấc: rất giàu vitamin A
7. Tiền vitamin A carotenoid
Là những sắc tố sậm màu có ở thực phẩm nguồn gốc thực vật, có thể được chuyển thành vitamin A, có nhiều trong rau quả xanh và vàng đậm (rau muống, rau dền, mồng tơi, rau đay, rau ngót, cà rốt, bông cải xanh, bí đỏ, xoài, đu đủ, gấc...).
Vitamin A trong các thực phẩm như kể trên là nguồn bổ sung vitamin A rất tốt cho trẻ và sử dụng các nguồn này thì không bao giờ sợ quá liều.
Khi nào cần bổ sung vitamin A bằng thuốc?
Trao đổi về vấn đề này PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức – Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết:
Vai trò của vitamin A
- Vitamin A rất quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của các bộ phận cơ thể con người. Nó tham gia vào sự tạo ra các mô, da, võng mạc ở mắt; giúp thị giác hoạt động tốt, chống lão hóa da, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
- Nếu thiếu vitamin A, trẻ sẽ bị giảm sút thị lực vào buổi tối hay còn gọi là quáng gà, khô mắt đưa đến mù mắt; dễ bị bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt nhiễm khuẩn đường hô hấp, chậm lớn; gây ra các triệu chứng khô da, rụng tóc, gãy móng tay; ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của xương, làm xương mềm và mảnh hơn bình thường, dễ bị suy dinh dưỡng.
- Vitamin A rất cần cho sự tăng trưởng, giúp sáng mắt, tăng cường hệ thống miễn dịch giúp phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng. Trẻ dưới năm tuổi rất dễ bị thiếu vi chất này do nhu cầu tăng trưởng, nhưng chế độ ăn thường không đa dạng và không đủ. Hơn nữa, trẻ hay mắc các bệnh nhiễm trùng và giun sán, làm tăng hao hụt vitamin A.
- Vitamin A rất quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của các bộ phận cơ thể con người.Nhưng thừa vitamin A cũng gây nguy hại không kém, có thể đưa đến tình trạng nhiễm độc với triệu chứng tổn thương ngoài da, viêm khớp, đau bắp thịt, nôn mửa, bơ phờ, chậm chạp, phù gai thị, bong da toàn thân; chán ăn, dễ bị kích thích, ói mửa; rụng tóc; da khô và ngứa, sung huyết da; ở trẻ đôi khi còn gây ra thoái hóa xương sớm ở các sụn tiếp hợp, gây ngừng tăng trưởng, trẻ dưới 1 năm tuổi có thể bị tăng áo lực nội sọ gây thóp phồng.
- Nên tham khảo thầy thuốc trước khi cho trẻ uống vitamin A.
- Không cho trẻ dùng vitamin A khi trẻ đã được cơ sở y tế cho uống vitamin A liều cao theo chương trình “Chống mù lòa ở trẻ do thiếu vitamin A”.
Dược sĩ Nguyễn Đăng Hùng