Bác sĩ khoa nhi - Người bệnh và những thói quen không nên có

  • Lâu nay công việc khám chữa bệnh trong nghành y tế bị phản ánh là tồn tại nhiều bất cập, như việc thiếu hụt bác sĩ cho tuyến dưới, việc bệnh viện quá tải, việc thu nhập của bác sĩ ...

  • Tất cả dường như ít nhiều  ảnh hưởng đến kết quả điều trị không cao. Tuy nhiên bên cạnh đó, xét một cách khách quan và công bằng, phía người bệnh cũng còn một số thói quen không đáng có, gây ra không ít khó khăn cho công việc của người thầy thuốc và  nhân viên y tế.

    1/ Thói quen dồn việc vào đầu tuần. Số đông người bệnh cứ theo thói quen, việc gì cũng “để đầu tuần làm luôn”. Khám bệnh cũng thế. Nhiều khi chỉ là đi khám sức khỏe, khám những bệnh thông thường không có tính khẩn cấp, cũng cứ chọn đi vào đúng sáng thứ 2. Điều đó vô tình làm cho buổi sáng thứ 2 ở phòng khám các bệnh viện luôn luôn chật ních người: bệnh dồn của hai ngày cuối tuần, bệnh cấp cứu, bệnh nặng, và cả bệnh nhẹ, rồi 3-4 người nhà dẫn một người đi khám… đều có đủ. Hiện nay, hầu như các bệnh viện đều triển khai việc khám ngoài giờ, khám cả trong ngày nghỉ… và chất lượng các buổi khám là như nhau. Nếu không phải là bệnh khẩn cấp, người dân nên bố trí đến khám rải ra vào các ngày khác trong tuần, hạn chế những buổi sáng đầu tuần.

    2/ Tin một cách thái quá vào việc chụp CT, siêu âm, X-quang… Một số người bệnh cứ tin CT, siêu âm, X-quang như những cái máy thần có thể phát hiện được bá bệnh. Đôi khi bác sĩ khám xong và cho biết là không có bệnh gì nghiêm trọng, nhưng bản thân người bệnh không tin, xin “ Bác sĩ cứ cho em đi CT, siêu âm…”. Nếu bác sĩ giải thích hoài không thông và ái ngại cho việc bệnh nhân tốn kém thêm không đáng thì bệnh nhân thêm vào: “ Dạ không sao, em có đem tiền mà”. Đôi khi bác sĩ còn phải dành thời gian cho bệnh nhân khác, và cũng cảm thấy mệt mỏi không muốn giải thích gì thêm nên cũng chìu theo. Mà muốn đi CT, siêu âm… thì lại phải bắt đầu lại với việc lấy số thứ tự, nộp phiếu, chờ gọi tên…, có khi mất cả buổi, cả ngày.

    3/ Nghi ngờ thuốc rẻ. Đôi khi chỉ là những bệnh thông thường nên bác sĩ cho toa cũng chỉ là những thứ thuốc thông thường với giá rất rẻ. Nhưng một số người bệnh lại có suy nghĩ cho rằng thuốc rẻ tiền thì khó mà hết bệnh được. Từ đó nghi ngờ bác sĩ này dở, bác sĩ kia giỏi…

    4/ Không tin bệnh viện tuyến dưới. Một số bệnh nhân luôn có ý nghi ngờ các bệnh viện tuyến dưới không chất lượng, chữa trị không khỏi. Cứ hễ bệnh nặng nhẹ gì cũng phải lên bệnh viện lớn. Điều nghi ngờ này không phải lúc nào cũng đúng.  Đây là thực trạng đang diễn ra và đã được phản ánh nhiều.

    5/ Gởi gắm, phong bì.  Một số người khi nhập viện là cứ cố tìm ai quen biết để mà gởi gắm, với suy nghĩ phải có gởi gắm thì bác sĩ, điều dưỡng, y tá mới để ý tới mình hoặc người nhà. Thói quen này vô tình tạo nên những vấn nạn xấu như nạn phong bì, quà cáp biếu xén… Trên nguyên tắc y đức, nhiệm vụ của bác sĩ là phải chữa bệnh cho bệnh nhân. Không phải có gởi gắm, có quà cáp, có phong bì… thì bác sĩ mới làm.( không nói đến một số bác sĩ thiếu y đức). Mỗi ngày, ở bệnh viện có hàng trăm bệnh nhân, những bệnh nặng có thể được để ý nhiều hơn một chút, còn lại thì mọi người bệnh đều được quan tâm, chăm sóc, chữa trị công bằng như nhau.

    6/ Tìm bác sĩ giỏi để mổ. Khi được chỉ định phẫu thuật, một số bệnh nhân hay hỏi thăm để tìm bác sĩ giỏi nào đó mổ cho mình. Xin thưa, nếu là những ca phẫu thuật lớn, bệnh viện tức khắc biết việc phải điều bác sĩ giỏi, nhiều kinh nghiệm đảm trách. Còn những ca phẫu thuật thông thường thì bác sĩ phẫu thuật viên nào cũng có thể làm tốt. (Nhiều bác sĩ nói vui rằng đôi khi nể lời người quen mà vào phòng mổ thôi chứ vô đó cũng chỉ đứng nhìn “lính lác” nó làm, đâu có cần đến mình).

    7/ Xin xuất viện sớm. Nhiều bệnh nhân đang nằm viện, cứ hễ thấy khỏe khỏe được chút là xin bác sĩ cho xuất viện. Một quá trình điều trị cần tuân thủ rất nhiều thứ: dấu hiệu lâm sàng, liều thuốc điều trị, tình trạng phục hồi… Đôi khi bênh nhân thấy khỏe là thế nhưng chưa đủ thời gian an toàn để bác sĩ đánh giá được hết tình trạng sức khỏe phục hồi sau điều trị. Đó có thể là lý do bác sĩ chưa thể cho xuất viện, chứ thật ra, với tình trạng quá tải ở các bệnh viện hiện nay, chẳng có ai muốn giữ bệnh nhân nằm lại làm gì.

    8/ Tùy tiện trong cách dùng thuốc. Ví dụ người bệnh tự khai bệnh với nhà thuốc để mua thuốc uống theo kiểu đau gì uống đó, hoặc là so sánh bệnh của mình giống bệnh của  người khác nên không cần đi khám mà mượn luôn toa thuốc bác sĩ cho người khác để dùng cho mình. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm vì thuốc thích ứng với người khác nhưng có thể chống chỉ định với mình. Một loại thuốc thường có hai mặt, có tác dụng chính chữa bệnh nhưng đồng thời cũng có tác dụng phụ không mong muốn đi kèm. Và thật sự thì không có bệnh nào giống bệnh nào, muốn uống một viên thuốc cần phải xem xét rất nhiều yếu tố : từ bệnh, từ di truyền, từ cơ địa từng người… Và chỉ có bác sĩ hoặc dược sĩ mới có thể tư vấn về thuốc cho bệnh nhân. Một trường hợp khác là bệnh nhân uống thuốc không đủ liều, ví dụ như bác sĩ cho thuốc uống một tuần mà mới uống 3 ngày thấy bớt bệnh nên ngưng thuốc luôn. Điều này khiến bệnh rất dễ bị tái phát trở lại và khi đó việc điều trị có thể gặp khó hơn ban đầu rất nhiều.

    9/ Xin truyền nước biển. Đây là thói quen thường gặp của một số người khi nhận thấy cơ thể không được khỏe, ăn uống kém... Thường họ tới các phòng mạch bác sĩ và xin được truyền nước biển. Đôi khi bác sĩ thật tình khuyên nhủ việc cần thiết hay không nhưng một số người nhất quyết đòi cho được, vậy là cuối cùng đi đến giải pháp là hai bên (Bác sĩ và bệnh nhân) vui vẻ, truyền luôn. Thật ra, nước biển cũng có nhiều loại: loại cung cấp chất dinh dưỡng, loại cung cấp điện giải, loại là huyết tương, albumin… và truyền loại nào thì bác sĩ cần phải xem xét thực tế bệnh nhân hoặc qua các xét nghiệm, và luôn luôn phải tuân thủ đúng bệnh, đúng lúc, đúng liều. Nếu các chỉ số trên cơ thể như chất điện giải, chỉ số đường muối… thấp hơn bình thường thì cần phải truyền để bù đắp. Hoặc khi cơ thể mất nước, mất máu, suy dinh dưỡng… cũng cần phải truyền dịch. Nếu truyền dịch một cách bừa bãi thì vừa mất tiền, mất thời gian, lại có khi gặp nguy hiểm như viêm sưng chỗ tiêm, nhiễm trùng, vã mồ hôi, run lạnh, tái nhợt, khó thở…Thực tế một số phòng mạch hay trạm y tế chưa có đủ phương án dự phòng chống sốc khi tiêm truyền thì đây quả là một mối hiểm nguy khôn lường.

    10/ Mê tín và kiêng cữ đủ thứ. Minh chứng rõ ràng nhất của việc mê tín đó là tin vào thầy cúng, bùa ngãi, hoặc là những thứ thuốc cây lá nào đó không có căn cứ khoa học và không rõ nguồn gốc. Một số khác thì không cần biết đặc tính của căn bệnh mà mình đang mang ra sao, nhưng hễ có bệnh là kiêng cữ đủ thứ: ví dụ kiêng ăn món này món nọ, kiêng gội đầu, kiêng tắm rửa…, tới mức cơ thể gần như suy kiệt hay là thân thể quá mất vệ sinh thì bệnh càng trở nên nặng hơn và khó thể phục hồi nhanh được.

    11/ Không tái khám theo hẹn. Chẳng có bác sĩ nào rãnh rỗi đến mức hẹn bệnh nhân tái khám là để vào nhìn mặt nói chuyện chơi cho vui. Việc tái khám luôn có ý nghĩa quan trọng. Tái khám để bác sĩ đánh giá được tổng trạng sức khỏe bệnh nhân sau một khoảng thời gian điều trị, để biết được hiệu quả dùng thuốc, cơ địa bệnh nhân đáp ứng với thuốc tốt không, có cần chỉnh liều hay thay đổi gì không… Tái khám đôi khi cũng giúp bác sĩ  kiểm soát bệnh tốt hơn hoặc phát hiện những biến chứng kịp thời. Bác sĩ không phải là thần thánh. Bất cứ bệnh gì cũng cần phải chẩn đoán, điều trị, thăm dò, theo dõi, đánh giá, tích lũy kinh nghiệm…Tiếc rằng một số bệnh nhân không ý thức được mức độ cần thiết của việc tái khám theo hẹn, thấy bệnh giảm hay dứt là khỏi tái khám luôn.

    12/ Sốt ruột, đổi bác sĩ điều trị. Không có thuốc nào là thuốc tiên uống vào hết bệnh ngay. Đối với một số bệnh, khi bác sĩ cho toa thì thuốc trong toa bệnh nhân cần phải uống đến đủ một lượng và một khoảng thời gian nhất định mới thấy được hiệu quả điều trị và bác sĩ mới đánh giá được kết quả. Tiếc là một số người lại quá sốt ruột, thấy uống thuốc 1-2 ngày không hết là chê bác sĩ…dở và bắt đầu hành trình đi tìm bác sĩ khác. Việc này vừa mất thời gian, tốn kém tiền bạc, dùng thuốc lung tung dễ bị lờn thuốc và đôi khi còn gây khó khăn cho việc điều trị của cả bác sĩ trước và bác sĩ sau.

    13/ Bác sĩ  không phải là thánh. Người bệnh có bệnh thì mới cần đến bác sĩ. Và bác sĩ luôn luôn hiểu những nỗi lo lắng, bất an mà mỗi người bệnh đang mang trong mình. Nhưng bác sĩ cũng là con người chứ không phải là tiên thánh mà biết hết mọi chuyện trên đời, đặc biệt là những chuyện trong tương lai. Bệnh nhân hãy hiểu điều đó để mà đừng truy vấn bác sĩ những câu hỏi khó mà bản thân bác sĩ cũng không thể trả lời được, đại loại như: bệnh này em còn sống được bao lâu nữa, mổ vầy có chết không bác sĩ, con em sau này liệu nó có bệnh giống em không, bác sĩ ráng giúp em nhanh hết bệnh được không vì tháng sau em lấy vợ rồi…

    Bác sĩ Hà