Bác sĩ khoa nhi - Thận ứ nước ( Hydronephrosis )
-
Theo nghiên cứu của các chuyên gia mô phôi học thuộc trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh ( CDC) cho thấy cứ 1500 trẻ sinh ra thì có một ca thận ứ nước.
-
Bé trai chiếm 65%. Tùy theo kích thước và sự biến dạng của đài bể thận người ta chia thành 4 độ ứ nước và có biện pháp theo dõi can thiệp khác nhau. Thận ứ nước có thể phát hiện rất sớm ở thai khoảng 16-20 tuần qua siêu âm thai nhi. Ở trẻ sơ sinh bị thận ứ nước có khả năng hồi phục cao nếu xác định được nguyên nhân và can thiệp đúng lúc.
I.Định nghĩa:
Thận ứ nước là tình trạng thận bị ứ nước tiểu bên trong đài bể thận do sự bế tắc một phần hay toàn phần của niệu quản, bàng quang, niệu đạo làm nước tiểu không di chuyển xuống bàng quang và thoát ra ngoài bằng niệu đạo được.
Đây là một trong những vấn đề phổ biến trên đường niệu đặc biệt ở trẻ em. Khi chưa có siêu âm, thận ứ nước được phát hiện rất trễ do biến chứng suy thận vì giai đoạn đầu bệnh hoàn toàn không có triệu chứng.
II.Nguyên nhân:
1. Nguyên nhân bẩm sinh: thận bị ứ nước trong bào thai
Nhưng nguyên nhân gây khiếm khuyết này chưa xác định được rõ rệt là di truyền gen, do dinh dưỡng hay do tác động của quá trình phân chia tạo cơ quan tiết niệu – sinh dục
Thận có thể bị ứ nước ở một hoặc cả hai bên và có thể kèm theo các bất ổn khác trên đường dẫn tiểu như niệu quản, bàng quang và niệu đạo…
2. Nguyên nhân mắc phải: thường xảy ra do sự chèn ép gây tắc nghẽn đường dẫn tiểu
Cục máu đông gây bít tắc đường dẫn tiểu do chấn thương , chảy máu tự phát…
Sỏi niệu
Bất thường ở bàng quang, cổ bàng quang do viêm nhiễm, ung thư, rối loạn co thắt, trào ngược bàng quang niệu quản
Bất thường trên niệu đạo do viêm nhiễm, ung thư, rối loạn co thắt, bí tiểu …
Ở người lớn cần phải chú ý đến các vấn đề như: mang thai, u xơ tử cung, u nang buồng trứng chèn ép, u xơ tiền liệt tuyến, ung thư tiền liệt tuyến, sẹo sau xạ trị gây xơ hóa đường dẫn tiểu…
III. Các dấu hiệu để phát hiện bệnh:
1. Đối với trẻ em thận ứ nước bẩm sinh rất thầm lặng và không triệu chứng nhưng thường phát hiện trước 5 tuổi
- Ở giai đoạn bào thai phát hiện bằng siêu âm thai
- Trẻ lớn lên phát hiện bệnh tình cờ qua siêu âm bụng khi bé bị một bệnh khác được siêu âm kiểm tra
- Hoặc cha mẹ thấy bụng bé hơi to, đau bụng mơ hồ
2. Đối với trẻ lớn hay người lớn thận ứ nước do nguyên nhân chèn ép nên rất rầm rộ :
- Một cơn đau bụng cấp tính dồn dập ở hông lưng vùng hố thận lan xuống bẹn kèn theo nôn ói vã mồ hôi
- Tiểu máu, tiểu mủ sau một chấn thương bụng- chậu
- Hoặc đến với một tình trạng suy nhược của một suy thận: suy nhược, mệt mỏi, nôn , buồn nôn, đau bụng âm ỉ kéo dài, thiếu máu, rối loạn nhịp tim, co thắt cơ bắp…
IV.Biến chứng:
- Biến chứng nguy hiểm nhất là suy thận. Đó là do áp lực của sự ứ nước trong đài bể thận làm căng các màng lót cầu thận, sau đó làm giảm độ lọc cầu thận và gây tổn thương cấu trúc tế bào thận. Sự suy giảm chức năng thận có thể hồii phục nếu can thiệp đúng và kịp thời, nhưng để lâu và kéo dài thì thận sẽ tổ thương vĩnh viên và không hồi phục nữa
V. Theo dõi và xử lý :
- Giãn nhẹ đài thận ( dA-P< 5mm) : có thể tự hồi phục, theo dõi bằng siêu âm mỗi 6 tháng
- Thận ứ nước độ 1-2 ( dA-P 10-15mm): theo dõi qua siêu âm mỗi 3 tháng, đánh giá chức năng thận, tổng phân tích nước tiểu, xạ hình thận. Bệnh có thể giảm độ nhưng cũng có thể tăng lên độ III- IV
- Thận ứ nước độ III-IV: bắt buộc phải tìm nguyên nhân để can thiệp sớm, tránh biến chứng suy thận. Bệnh nhân phải được siêu âm, đánh giá chức năng thận, tổng phân tích nước tiểu, xạ hình thận.Chụp UIV, UCR, CT để đánh giá tình trạng suy thận ( nếu có) và tìm nguyên nhân gây tắc nghẽn để can thiệp sớm
VI. Phòng ngừa:
- Phòng ngừa biến chứng bằng cách phát hiện sớm và can thiệp kịp thời
- Cần xác định nguyên nhân và giải quyết nguyên nhân, phòng ngừa sự hình thành các nguyên nhân
- Cuối cùng là luôn giúp cho dòng nước tiểu được thông thương từ thận xuống bàng quang và thải ra ngoài bằng niệu đạo là góp phần cứu sống và giúp thận khỏe mạnh
Bác sĩ Hà